Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

https://quangtrihospital.vn


Nội soi phế quản ống mềm

Nội soi phế quản là là thủ thuật đưa ống nội soi qua mũi hoặc miệng vào đường thở để quan sát, thăm khám cây khí phế quản, lấy bệnh phẩm các loại để chẩn đoán hoặc thực hiện một số thủ thuật để điều trị.
1. Công tác tổ chức phòng Nội soi phế quản
Nhân lực Kíp soi: gồm 1 bác sĩ soi chính chịu trách nhiệm toàn bộ cuộc soi, 1 bác sĩ phụ soi và 1-2 điều dưỡng phụ trách dụng cụ.
Phương tiện
- Bộ ống soi mềm, nguồn sáng, bộ điều khiển hình ảnh
- Các dụng cụ hỗ trợ như máy hút, kìm sinh thiết các loại, bàn chải, kìm gắp dị vật
- Thuốc tê Xylocaine 2%, 10% và gel Xylocaine 2%.
2. Chỉ định, chống chỉ định Nội soi phế quản
Chỉ định
Chỉ định chẩn đoán: Hầu hết các bệnh lý của đường hô hấp chưa chẩn đoán xác định bằng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng khác đều có chỉ định soi phế quản để chẩn đoán.
  • Bệnh lý ác tính: K phế quản, K thực quản, u trung thất….
  • Ho ra máu
  • Xẹp phổi
  • Bệnh nhu mô lan tỏa
  • Tổn thương do hít cấp tính
  • Chấn thương ngực
  • Đánh giá tổn thương sau đặt ống nội khí quản
  • Nhiễm khuẩn phổi
  • Chẩn đoán viêm phổi liên quan tới máy thở (VAP)….
Chỉ định điều trị: có chỉ định riêng cho mỗi loaị thủ thuật, một số chỉ định như:
  • Hút,rửa khí phế quản
  • Loại bỏ dị vật
  • Đặt stent
  • Chọc hút kén
  • Hút dẫn lưu ổ abces
  • Gây xẹp thùy phổi
  • Điều trị ho ra máu
  • Chấn thương ngực
  • Đặt nội khí quản…..
Chống chỉ định
- Bệnh nhân không hợp tác
- Không thể duy trì độ bão hòa oxy đầy đủ
- Rối loạn đông máu ở bệnh nhân cần nội soi phế quản để sinh thiết (dùng bàn chải hoặc kẹp fooc-xép)
- Bệnh nhân có tim mạch không ổn định
- Bệnh nhân hen phế quản có triệu chứng mà chưa được điều trị
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng có kết hợp tăng CO2 máu (tiền mê, an thần, và hỗ trợ oxy phải được sử dụng một cách thận trọng)
- Tăng áp lực nội sọ (sử dụng phối hợp các thuốc gây mê để bảo vệ não, thuốc giãn cơ để tránh ho, và theo dõi sát để đảm bảo áp lực tưới máu não đầy đủ)
3. Chuẩn bị
Bệnh nhân
- Thăm khám phát hiện các bệnh lý nền như hen, bệnh tim mạch, suy thận, rối loạn đông máu
- Khai thác tiền sử dị ứng, thuốc đang dùng có ảnh hưởng tới chức năng đông máu
- Kiểm tra xem bệnh nhân đã chụp XQ phổi và làm điện tâm đồ chưa? Độ bão hòa oxy của bệnh nhân như thế nào?

- Bệnh nhân phải nhịn ăn trước khi làm thủ thuật
- Bệnh nhân và/hoặc người thân phải ghi bản cam kết làm thủ thuật
Dụng cụ
- Thuốc tiền mê
- Đặt đường truyền tĩnh mạch
- Luôn luôn dành thời gian để kiểm tra và đối chiếu bệnh nhân trước khi tiến hành kỹ thuật nội soi phế quản
4. Các bước tiến hành
 Gây tê
- Gây tê mũi và hầu họng bằng Xylocaine spray 10%. Thanh quản, khí quản và các phế quản sẽ được gây tê qua ống nội soi bằng Xylocaine 2%
 Kỹ thuật
- Bệnh nhân nằm ngửa trên giường soi, thở O2, theo dõi mạch, HA, SpO2. Trường hợp bệnh nhân khó thở khi nằm, ta có thể soi ở tư thế ngồi.
- Đưa ống soi qua mũi hay miệng, tuỳ trường hợp. Gây tê qua ống soi khi đầu ống soi đến thanh quản, khí quản và phế quản gốc 2 bên và khi xét thấy cần thiết.
- Quan sát kỹ lưỡng cây phế quản từ tình trạng niêm mạc, kích thước, cách phân chia, tìm kiếm tổn thương nếu có.
- Tiến hành các thủ thuật lấy mẫu xét nghiệm hay các thủ thuật điều trị khi có chỉ định
- Làm bản tường trình nội soi khi đã hoàn tất nội soi
5. Theo dõi và xử lý tai biến
Bệnh nhân được theo dõi sát mạch, huyết áp, SpO2 trong suốt thời gian làm nội soi. Khi gặp tai biến, cách xử lý thay đổi tuỳ theo từng trường hợp. Các bác sĩ làm nội soi phải biết rõ cách xử lý tai biến. Sau khi soi xong, bệnh nhân được đưa về phòng bệnh và được theo dõi tiếp trong ngày để phát hiện các biến chứng muộn.

 

Tác giả bài viết: BsCKI. Lê Nhân Trung – Khoa Nội Tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây