Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

https://quangtrihospital.vn


Ngành y tế tỉnh Quảng Trị với quyết tâm đạt nhiều thành tích mới trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

Năm 2017, ngành y tế tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện mục tiêu không để dịch bệnh lớn xảy ra, không để xảy ra tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch và ngộ độc thực phẩm đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe (BV,CS&NCSK) của nhân dân trong tình hình mới.
BVĐK tỉnh Quảng Trị hướng tới sự hài lòng của người bệnh (Ảnh: Bội Nhiên)
Hiện nay, thách thức đối với ngành y tế là nhu cầu và kinh phí BV,CS&NCSK ngày càng lớn trong điều kiện ngân sách và nguồn viện trợ bị cắt giảm mạnh; thu nhập của người dân ở các vùng, miền trong tỉnh không đồng đều; tình trạng hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, sử dụng ma túy, mại dâm, lối sống thiếu vận động thể lực, dinh dưỡng không hợp lý tác động bất lợi đến sức khỏe; sự già hóa dân số, bệnh tật, các bệnh mãn tính đòi hỏi nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng cao; biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sức khỏe; việc thực hiện cơ chế tự chủ ở y tế tuyến huyện, xã gặp nhiều khó khăn vì yêu cầu ngân sách và đáp ứng của bảo hiểm y tế (BHYT) có nhiều bất cập do thông tuyến, do nhận thức của người dân và cả về bất cập trong quản lý;… Do đó, ngành y tế tỉnh Quảng Trị đã xác định các giải pháp nhằm đạt các mục tiêu đề ra, nỗ lực nâng cao năng lực và chất lượng của mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế bao gồm tổ chức mạng lưới y tế, nhân lực và chuyên môn trong thực hiện phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, khám chữa bệnh (KCB) và phục hồi chức năng, dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), truyền thông-giáo dục sức khỏe, xã hội hóa y tế, đổi mới cơ chế tài chính y tế, tăng cường vận động tiến tới BHYT toàn dân mà trọng tâm là ngành y tế tiếp tục đổi mới để BV,CS&NCSK nhân dân tốt hơn.
Với quyết tâm đổi mới, ngành y tế chú trọng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý, cụ thể theo vị trí làm việc ở từng đơn vị; tiếp tục đào tạo cử tuyển theo địa chỉ và đào tạo cô đỡ thôn, bản cũng như đào tạo nâng cao trình độ của nhân viên y tế thôn để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân ở vùng sâu, vùng xa; củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế; xây dựng quy chế quy định nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội của cán bộ y tế mới ra trường. Về y tế dự phòng, toàn ngành chủ động triển khai phòng chống dịch với nỗ lực dự báo, phát hiện sớm, khống chế không để xảy ra dịch lớn; tăng cường kiểm dịch y tế biên giới không để dịch bệnh xâm nhập; duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên 97%; nâng cao chất lượng kiểm soát các bệnh không lây nhiễm và hoạt động y tế học đường, từng bước kiểm soát các yếu tố có hại đến sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc mới HIV, nâng cao chất lượng chăm sóc người nhiễm HIV, điều trị HIV bằng thuốc kháng virus, phát huy hiệu quả của 2 cơ sở cấp phát thuốc Methadone mới đi vào hoạt động, hướng tới mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS; can thiệp đặc hiệu trong phòng chống lao và sốt rét ở vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh kiểm soát tình trạng lao và sốt rét kháng thuốc; triển khai hiệu quả các chương trình vệ sinh môi trường, phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống bệnh nghề nghiệp, CSSK người lao động; đầu tư xây dựng mới từ 1 đến 2 trạm y tế, nâng cấp các trạm y tế và phòng khám quân-dân y kết hợp, thực hiện tốt chương trình Quân-dân y kết hợp.

Bên cạnh đó, ngành y tế của tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và phục hồi chức năng thông qua tăng cường chuyển giao kỹ thuật, đào tạo và tập huấn cho tuyến dưới; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các bệnh viện theo tiêu chí mới đồng thời tiếp tục cải cách hành chính trong KCB; đẩy mạnh phát triển y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ở tất cả các tuyến; phát triển mô hình quản lý các bệnh mãn tính tại cộng đồng, thí điểm thực hiện mô hình bác sỹ gia đình, CSSK người cao tuổi tại cộng đồng; phát triển một số kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân. VềCSSK bà mẹ và trẻ em, DS-KHHGĐ thì ngành y tế sẽ đẩy mạnh can thiệp giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh; phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong các can thiệp về vệ sinh và dinh dưỡng nhằm giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi; duy trì mức sinh thấp hợp lý và khống chế tỷ số giới tính khi sinh dưới 112/100; đẩy mạnh tuyên truyền vềgiảm sinh ở vùng sâu, vùng xa,  vùng đồng bào dân tộc ít người; giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh; mở rộng các giải pháp chủ động phòng ngừa dị tật bẩm sinh, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; đáp ứng đủ nhu cầu KHHGĐ của người dân. Trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc, vaccine, sinh phẩm và trang thiết bị, ngành y tế tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quản lý, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời thực hiện đấu thầu tập trung, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vaccine, sinh phẩm hóa chất, vật tư và trang thiết bịy tế đáp ứng nhu  cầu phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, mua sắm trang thiết bị y tế từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác đáp ứng nhu cầu KCB của từng đơn vị; quản lý và sử dụng có hiệu quả trang thiết bị y tế; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị và cơ sở vật chất hạ tầng y tế; chú trọng kiểm chuẩn và kiểm định trang thiết bị y tế.

Đặc biệt, với quyết tâm đổi mới hướng vào thực chất và triệt để, ngành y tế tiếp tục nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế bằng cách tăng cường thực hiện tốt quy chế dân chủ và quy tắc ứng xử của ngành, đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như thực hiện Quyết định số 2151/2015/QĐ-BYT về Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; hoàn thiện mô hình tổ chức theo Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực ở các tuyến; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh theo mô hình Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tuyến tỉnh, chuyển nhiệm vụ điều trị một số bệnh mà Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đang quản lý sang các bệnh viện; thành lập Trung tâm Mắt và tiến tới xây dựng Bệnh viện Mắt.

Song song với các giải pháp chuyên môn, ngành y tế tiếp tục chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế, y học cơ bản, y học kỹ thuật cao, y học lâm sàng, y tế công cộng, quản lý y tế; phát triển hệ thống thông tin y tế; nâng cao hiệu quả truyền thông-giáo dục sức khỏe và hợp tác quốc tế với những cố gắng củng cố, tăng cường hệ thống thông tin y tế; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê theo quy định hiện hành; tiếp tục hoàn thiện phần mềm quản lý trong điều trị, trước mắt đảm bảo đáp ứng kết nối liên thông thanh toán BHYT, tiến đến xây dựng bệnh án điện tử; xây dựng phầm mềm đấu thầu thuốc và hóa chất toàn ngành; thực hiện hiệu quả và phát huy tính chủ động của truyền thông, đa dạng các hình thức truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm, tạo được sự đồng thuận của các ban, ngành, đoàn thể và của người dân trong việc chủ động BV,CS&NCSK; tiếp tục quan hệ hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ, Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Áo, Chính phủ Italia về lĩnh vực y tế đã ký kết; thực hiện hợp tác kiểm soát bệnh lây truyền qua biên giới với tỉnh Mukdahan của Thái Lan và các tỉnh Savannakhet, Salavanh của nước bạn Lào,...

Bằng tất cả những giải pháp khả thi và nỗ lực không ngừng đó, chắc chắn ngành y tế tỉnh Quảng Trị sẽ đạt kết quả tích cực hơn nữa và nhiều thành tích mới trong tiến trình BV,CS&NCSK nhân dân.

Tác giả bài viết: NGUYỄN BỘI NHIÊN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây