Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

https://quangtrihospital.vn


Hội thảo trực tuyến chiến lược điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có EGFR (+)

Hội thảo trực tuyến chiến lược điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có EGFR (+)
Ung thư phổi là một trong ba loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân ung thư phổi đứng thứ hai chỉ sau ung thư gan. Ung thư phổi có hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư phổ biến nhất chiếm 84% trong tất cả các chẩn đoán ung thư phổi. Biểu hiện lâm sàng của ung thư phổi tùy thuộc vào vị trí và mức độ lan rộng của tổn thương, phần lớn bệnh nhân vào viện ở giai đoạn đã có di căn xa. Ngày nay, nhờ vào các tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu bệnh sinh, dịch tễ học, đặc biệt sinh học phân tử và liệu pháp nhắm trúng đích đã giúp các bác sỹ lựa chọn phương pháp điều trị và đạt được những kết quả ngoạn mục nhằm kéo dài thời gian sống, đồng thời cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
 Ts.Bs. Trương Vĩnh Quý – Trưởng khoa Ung bướu chủ trì hội thảo
Ts.Bs. Trương Vĩnh Quý – Trưởng khoa Ung bướu chủ trì hội thảo
Nhằm cập nhật những phương pháp điều trị mới đồng thời đưa ra chiến lược điều trị lâu dài cho bệnh nhân ung thư phổi, ngày 27/8/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Chiến lược điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có EGFR(+) với sự chủ trì của Ts.Bs.Trương Vĩnh Quý – Trưởng khoa Ung bướu và sự tham gia của các chuyên gia đến từ Đại học Y Dược Hồ Chí Minh.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa ung bướu đã cập nhật các nghiên cứu bệnh sinh, sinh học phân tử ung thư phổi, dẫn chứng khoa học, kiểm nghiệm lâm sàng được thực hiện trên quy mô lớn tại nhiều quốc gia và các thành tựu đạt được. Hội thảo đã đưa ra các chiến lược điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi tại BVĐK tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục áp dụng liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị với mục đích giảm khả năng tăng sinh, tiêu diệt triệt để khối u. Đồng thời, tiến hành xét nghiệm để tìm các đột biến gen nhạy cảm với thuốc, từ đó đưa ra chỉ định chính xác loại thuốc nhắm trúng đích phù hợp với bệnh nhân, tăng tác dụng điều trị và giảm các tác dụng phụ do thuốc gây ra./.

Tác giả bài viết: Mỹ Châu – Phòng Điều dưỡng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây